Ngành giáo dục cần tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại trường học

13:49 14/01/2021

(LĐBD) - An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là mối lo của tất cả mọi người, nhất là tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học. LĐBD ghi nhận những hoạt động tích cực bảo vệ an toàn thực phẩm tại các trường học tại TP Thuận An, Bình Dương.

Hiểm nguy thực phẩm rình rập học sinh

 

Thực tế, các loại bánh, kẹo hàng quán vỉa hè trước các trường học luôn được các em học sinh yêu thích và lựa chọn. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm ở đây vẫn là vấn đề mà nhiều địa phương quan tâm. Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin xuất hiện loại kẹo thuốc lá tại cổng trường học một trường cấp 2 trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội). Theo như thông tin lan truyền, kẹo này có giá thành rẻ (khoảng 1.500 đồng đến 2.000 đồng/chiếc), mẫu mã bắt mắt (hình con lạc đà nhãn hiệu CAMEL, hoặc bao bì giống các nhãn hàng thuốc lá). Kẹo thuốc lá có hình dáng bao bì giống như thuốc lá thật, vừa ăn vừa có thể nhả khói, vị ngọt thơm nên được học sinh ưa thích. Hiện nay, ở  tỉnh Bình Dương nói chung và thành phố Thuận An nói riêng chưa xuất hiện loại kẹo này nhưng phải cảnh giác. 

Thầy Thái Văn Trung, Phó trưởng Phòng GD& ĐT TP Thuận An cho biết: Ngay từ đầu năm học 2020- 2021, ngành giáo dục thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường học tăng cường kiểm tra, kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm tại trường học. Cụ thể, căn tin phải có hợp đồng đảm bảo các yêu cầu, địa điểm bán hợp lý, mỹ quan, sạch, thoáng; người bán hàng phải có giấy khám sức khỏe, được tập huấn về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm; thái độ có văn hóa phục vụ học sinh. Thực phẩm bày bán đảm bảo không phẩm màu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; nghiêm cấm bán những vật dụng đồ chơi sắc, nhọn, bạo lực, kích động, chứa chấp kích thích, gây nghiện cho học sinh. Hiệu trưởng phải phân công kiểm tra giám sát các quy định trên. Những năm vừa qua, tình trạng ngộ độc thực phẩm chưa xảy ra trong học sinh, nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn hiện hữu nên công tác quản lý phải đặt lên hàng đầu. 

 

 

Ghi nhận tại hai trường 

Ngay từ đầu năm học, Trường Tiểu học An Phú 2 đã quán triệt và cho căn tin ký cam kết thực hiện việc buôn bán thực phẩm có nguồn gốc, hóa đơn rõ ràng; người bán có giấy khám sức khỏe. Cô Bùi Thị Tâm, Phó hiệu trưởng của trường cho biết: Nhà trường kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất căng tin của trường, luôn nhắc nhở các em học sinh không mua, không dùng sản phẩm lạ, trôi nổi bên ngoài để đảm bảo sức khỏe. Còn tại Trường THCS Trịnh Hoài Đức, cũng có căn tin phục vụ nhu cầu ăn quà vặt cho học sinh, góp phần hạn chế các em ra bên ngoài mua sắm vừa không đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa gây mất trật tự an toàn giao thông. Trường cũng thành lập Ban An toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên lập đoàn để kiểm tra bánh kẹo, đồ chơi bán tại căn tin. Tuy nhiên, Nhà trường mong chính quyền địa phương sớm giải tỏa- cấm bán hàng rong trước cổng trường vì dù trường đã đặt biển cấm tụ tập buôn bán, nhưng một vài người bán hàng rong vẫn hoạt động. 

Thầy Đỗ Minh Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Trịnh Hoài Đức nói: Biết là người bán hàng rong chẳng qua vì cuộc sống mưu sinh, nên phải cảm thông cho họ, nhưng về lâu dài, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất lớn. Về phía trường không có thẩm quyền để xử lý trường hợp bán hàng rong, kể cả các cửa hàng bán thức ăn nhanh gần khu vực trước cổng trường cũng đáng lo ngại. Mong chính quyền địa phương cần có giải pháp kiểm tra, kiểm soát góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh.  Thầy Thái Văn Trung cũng nói: Ngành giáo dục rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương để khắc phục tình trạng buôn bán, kinh doanh thực phẩm trước cổng trường đảm bảo sức khỏe của học sinh.

Năm học 2020-2021, toàn TP Thuận An có 149 trường và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên, tăng 1 trường ngoài công lập, trong đó có 55 trường công lập, 94 trường ngoài công lập với gần 109.550 học sinh, so với cùng kỳ năm học trước tăng gần 7.530 học sinh.

 

VĂN TIẾN


Tin khác